Binh lực và kế hoạch Chiến_dịch_phản_công_Mozhaisk-Vyazma

Quân Liên Xô

Binh lực

Phương diện quân Tây (chỉ huy: Đại tướng G. K. Zhukov, tham mưu trưởng: thiếu tướng V. S. Golushkyevich)

  • Tập đoàn quân xung kích 1 do trung tướng V. I. Kuznetsov chỉ huy. Biên chế 2 sư đoàn kỵ binh, 8 lữ đoàn bộ binh, 3 lữ đoàn hải quân đánh bộ, 10 tiểu đoàn trượt tuyết độc lập, 1 tiểu đoàn bộ binh độc lập, 2 trung đoàn và 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 lữ đoàn xe tăng, 1 sư đoàn không quân, quân số 54.396 người.
  • Tập đoàn quân 20 do các trung tướng A. A. Vlasov (đến tháng 3 năm 1942) và M. A. Reiter chỉ huy. Biên chế 2 sư đoàn và 3 lữ đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn hải quân đánh bộ, 2 trung đoàn và 3 tiểu đoàn pháo binh, 5 lữ đoàn xe tăng, 1 đoàn tàu hỏa bọc thép, quân số 41.560 người
  • Tập đoàn quân 16 do trung tướng K. K. Rokossovsky chỉ huy. Biên chế gồm 3 sư đoàn và 4 lữ đoàn bộ binh, 3 sư đoàn kỵ binh, 1 lữ đoàn hải quân đánh bộ, 7 trung đoàn pháo binh, 3 trung đoàn súng cối, 4 tiểu đoàn Katyusha, 2 lữ đoàn và 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 đoàn tàu bọc thép, quân số 61.500 người.
  • Tập đoàn quân 5 do do trung tướng L. A. Govorov chỉ huy. Biên chế gồm 8 sư đoàn, 3 lữ đoàn và 2 trung đoàn bộ binh, 7 trung đoàn và 5 tiểu đoàn pháo binh, 1 lữ đoàn xe tăng, 1 trung đoàn cơ giới, quân số 62.268 người.
  • Tập đoàn quân 10 do trung tướng F. I. Golikov (đến tháng 2 năm 1942) và thiếu tướng V. S. Popov chỉ huy. Biên chế gồm 8 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn pháo binh, quân số 55.260 người
  • Tập đoàn quân 33 do Trung tướng M. G. Yefremov chỉ huy. Biên chế gồm 9 sư đoàn bộ binh, 6 trung đoàn và 2 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn súng cối, quân số 74.250 người.
  • Tập đoàn quân 43 do trung tướng K. V. Golubev chỉ huy. Biên chế gồm 3 sư đoàn và 1 tiểu đoàn bộ binh độc lập, 2 lữ đoàn trượt tuyết, 4 trung đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn súng cối, 1 lữ đoàn xe tăng, 1 đoàn tàu bọc thép, quân số 41.538 người.
  • Tập đoàn quân 49 do thiếu tướng I. G. Zakharkin chỉ huy. Biên chế gồm 6 sư đoàn và 4 lữ đoàn bộ binh, 6 trung đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn súng cối, 2 lữ đoàn xe tăng, quân số 67.770 người.
  • Tập đoàn quân 50 do trung tướng I. V. Boldin chỉ huy. Biên chế gồm 6 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn kỵ binh, 2 trung đoàn pháo binh, 5 tiểu đoàn súng cối, 1 sư đoàn và 1 trung đoàn xe tăng (chỉ còn lại 28 xe tăng sử dụng được), 1 đoàn tàu bọc thép, quân số 42.605 người.
  • Quân đoàn kỵ binh cận vệ 1 do trung tướng P. A. Belov chỉ huy. Biên chế gồm 2 sư đoàn kỵ binh, 1 trung đoàn cơ giới, 1 trung đoàn pháo binh.

Lực lượng dự bị của Đại bản doanh:

  • Quân đoàn đổ bộ đường không 4 do Thiếu tướng A. F. Levashev và Đại tá A. F. Kazankin (từ tháng 2 năm 1942) chỉ huy. Biên chế gồm 3 lữ đoàn dù.
  • Lữ đoàn đổ bộ đường không 201
  • Lữ đoàn đổ bộ đường không 250.

Kế hoạch

Phối hợp với Phương diện quân Kalinin tấn công từ Bắc xuống Nam, Phương diện quân Tây dự định tổ chức tấn công trên 3 cánh. Cánh Bắc gồm các tập đoàn quân Xung kích 1, 20, 5 và 16 tấn công từ phòng tuyến Volokolamsk - Ruza sang phía Tây, đánh chiếm Mozhaysk, Gzhatsk (Gagarin), tiến ra tuyến Sychyovka - Rzhev. Cánh giữa gồm các tập đoàn quân 33, 43, 49 tấn công từ phòng tuyến Borovsk - Kaluga, đánh chiếm Bereya (???), Medyn, Yukhnov và đột kích đến Vyazma. Cánh Nam gồm các tập đoàn quân 10, 50 từ phòng tuyến sông Oka tấn công đánh chiếm Sukhinichi, Mosalsk, Kirov và phát triển đến Milyatino - Spas Demensk.[6]

Do các tập đoàn quân 10 và 50 đã suy yếu, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô yêu cầu Phương diện quân Bryansk điều động Tập đoàn quân 61 phối hợp với cánh trái Phương diện quân Tây tổ chức tấn công trên khu vực Sukhinichi. Cuộc tấn công được lên kế hoạch đại thể bằng mệnh lệnh của Đại bản doanh ngày 5 tháng 1 năm 1942. Các tập đoàn quân phải chuyển sang tấn công chỉ sau sau 3 ngày chuẩn bị. Tham vọng thì rất lớn nhưng lực lượng thì không đủ. Trong tất cả các sư đoàn thuộc Phương diện quân Tây, quân số chỉ còn lại từ 3.000 đế 5.000 người. Khoảng 10 sư đoàn có quân số từ 6.000 đến 7.000 người. Do tiếp tục tấn công một cách vội vã, đạn dược không bảo đảm cơ số yêu cầu. Mỗi khẩu pháo 122 mm chỉ còn 1,17 cơ số đạn, pháo 76 mm: 0,57 cơ số, pháo chống tăng 45 mm: 5,7 cơ số, súng cối 120mm: 0,47 cơ số, súng cối 82 mm: 0,4 cơ số.[7]

Tại Hội nghị quân sự ngày 2 tháng 1 năm 1942 của Đại bản doanh Bọ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô, trong khi G. K. Zhukov cho rằng nhiệm vụ chính tiếp theo là cần xóa bỏ chỗ lồi nguy hiểm ở khu vực Rzhev - Vyazma, còn các mặt trận khác cần chuyển sang phòng thủ thì I. V. Stalin và các nguyên soái K. E. Voroshilov, S. M. Timoshenko lại đề nghị cần phát động cuộc tổng tấn công. Chỉ thị ngày 10 tháng 1 của Đại bản doanh Liên Xô do I. V. Stalin ký nêu rõ:

Sau khi Hồng quân đã làm tiêu hao nặng lực lượng quân Phát xít Đức thì phải chuyển sang tấn công và đuổi bọn xâm lược Đức về phía Tây. Để ngăn chặn cuộc tiến công của ta, quân Đức đã chuyển sang phòng ngự và bắt đầu thiết lập các tuyến phòng thủ để sau đó tập trung lực lượng và lại chuyển sang tấn công Hồng quân. Quân Đức muốn tranh thủ thời gian và muốn có một thời gian tạm ngưng chiến. Nhiệm vụ của chúng ta là không để cho bọn Đức có được khoảng thời gian đó, không ngừng đuổi chúng về phía Tây, buộc chúng phải tiêu hao lực lượng dự bị của chúng ngay trước mùa xuân. Khi đó, chúng ta sẽ có những lực lượng dự bị to lớn mới, còn quân Đức thì sẽ không còn lực lượng dự bị nữa. Và như vậy, sẽ đảm bảo hoàn toàn diệt tan quân đội Hitler vào năm 1942
— STAVKA[8]

Về chủ trương chiến lược thì tinh thần liên tục tấn công là phù hợp để phá chiến lược phòng thủ lâm thời của quân Đức. Nhưng những nhận định về tình hình binh lực của hai bên thì chỉ thị này đã thể hiện sự chủ quan. Nước Đức Quốc xã vẫn còn rất nhiều tiềm lực và chưa đến mức kiệt quệ. Quân Đức chỉ cần có thời gian để chuyển các sư đoàn mới từ Pháp, Đan Mạch, Trung Âu và nước Đức sang mặt trận phía Đông, trong khi một phần lớn lực lượng dự bị của quân Liên Xô đã sử dụng hết trong cuộc phản công chiến lược tại khu vực Moskva. Tổng binh lực quân Liên Xô không thể bảo đảm cho cuộc tổng tấn công trên các mặt trận mà chỉ có thể bảo đảm cho một hướng chiến lược. Chính vì vậy, việc chủ trương mở quá nhiều cuộc tấn công đã làm phân tán binh lực của quân Liên Xô trong thời điểm đầu năm 1942. Chủ trương vừa phòng ngự, vừa tấn công là điểm yếu nhất trong kế hoạch tác chiến năm 1942 của quân đội Liên Xô, không chỉ ở khu vực Rzhev-Vyazma nói riêng mà còn trên toàn mặt trận Xô-Đức nói chung.[9]

Tuy chiến dịch Sao Mộc được tiến hành cùng thời gian với Chiến dịch phản công Rzhev-Vyazma (1942) nhưng mỗi chiến dịch đều theo một kế hoạch riêng dưới sự điều khiển chung của STAVKA.

Quân Đức Quốc xã

Binh lực

Cụm Tập đoàn quân Trung tâm (chỉ huy: Thống chế Günther von Kluge)

Cánh Nam tham gia chiến dịch gồm có:

Kế hoạch

Ngày 16 tháng 12 năm 1941, Tổng hành dinh quân đội Đức Quốc xã ra Chỉ thị số № 442182/41 đặt tất cả các cụm tập đoàn quân Đức trên mặt trận phía Đông vào tư thế phòng thủ và đây là lần đầu tiên kể từ ngày bắt đầu Chiến tranh Xô-Đức, quân Đức quốc xã phải chuyển sang trạng thái này trên toàn mặt trận. Một bức điện gửi riêng cho Tư lệnh Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) ngày 21 tháng 12 năm 1941 chỉ rõ:

Bài học lịch sử của Napoleon có nguy cơ lặp lại một lần nữa. Vì vậy, hãy rút quân đến những vị trí phòng thủ đã được chuẩn bị sẵn ở phía sau... Trong các cuộc tấn công, đối phương sẽ dần dần bị rút hết máu. Họ đang ném ra những sức mạnh cuối cùng trong trận chiến cuối cùng. Thiết bị, vũ khí và lực lượng vũ trang của họ trong một số khu vực nhất định có thể rất tốt, nhưng hầu hết các sư đoàn của đối phương không đủ sức chiến đấu.
— OKH[6]

Ngoài tuyến phòng thủ đầu tiên hiện đang trấn giữ trên các tuyến sông Lama, Ruza, Nara, Prodva, Zhizdra, quân Đức Quốc xã ở phía Tây Moskva đã thiết lập tuyến phòng thủ thứ hai được gọi là "tuyến Koenigsberg" kéo dài trên 300 km từ Rzhev qua phía đông Zubtsov, phía Đông Gzhatsk đến Yukhnov. Một tuyến phòng thủ thứ ba cũng được thiết lập từ Staraya Russa qua Kholm, Toropets, Ilyino, Yartsevo, Yelnya đến Bryansk. Quân Đức Quốc xã hy vọng chặn đứng các cuộc tấn công của quân Liên Xô trên "tuyến Koenigsberg" với một loạt các cụm cứ điểm phòng ngự đều được đặt tên theo các thành phố ở Đức như "Augsburg", "Bremen", "Coburg", "Dresden"... Quân Đức Quốc xã hy vọng trụ lại qua mùa Đông và củng cố binh lực, trang bị để tiếp tục tấn công trong mùa hè năm 1942.[3]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_phản_công_Mozhaisk-Vyazma http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec42.html http://www.webcitation.org/66RkDZAU2 http://www.1942.ru/book/zhukov.1942.htm http://admin-smolensk.ru/our_region/geografichesko... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/db/halder/1941_12.html http://militera.lib.ru/db/halder/1942_05.html http://militera.lib.ru/h/anischenkov_shurinov/01.h...